Liên hệ

Friday, March 10, 2017

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là bệnh rối loạn chức năng của ruột bởi vì không gây viêm loét tại ruột. Hội chứng này còn có nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt, vì bệnh biểu hiện các triệu chứng từng đợt khi nặng, lúc nhẹ nên trước kia còn gọi là viêm đại tràng mạn tính.

Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, là bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Những biểu hiện thường gặp

Khi mắc phải hội chứng ruột kích thích người bệnh thường có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa, ngoài ra còn có biểu hiện tại các cơ quan khác.

Các triệu chứng về tiêu hóa:

Đau bụng là triệu chứng thường gặp, vị trí thường thấy nhất là ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng. Đau có thể có vị trí rõ ràng, nhưng cũng có thể đau không rõ ràng làm người bệnh rất khó xác định vị trí chính xác. Đau có khi chỉ biểu hiện bằng cảm giác tức nặng, ấm ách khó chịu. Đau bụng thường giảm đi sau khi đại tiện.

Trướng bụng cũng là triệu chứng thường gặp, sau ngủ dậy thì không bị hoặc chỉ bị nhẹ, sau đó tăng dần. Người bệnh có thể biểu hiện bằng tiêu chảy hoặc táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với từng đợt táo bón. Phân có thể có nhày mũi nhưng không có máu, phân có khi lổn nhổn giống phân dê.
Bệnh nhân có thể đau quặn bụng bắt buộc phải đi ngoài ngay. Người bệnh có cảm giác chưa thoải mái hoặc chưa đi hết phân sau khi đại tiện. Người bệnh không bị đi ngoài khi ngủ.
Ngoài ra có thể có các biểu hiện: nóng ở vùng thượng vị, ăn nhanh no, buồn nôn, cảm giác có vướng ở vùng họng.

Các biểu hiện ở ngoài cơ quan tiêu hóa:

Mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, đau khi giao hợp, tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu đêm.
Các triệu chứng về tâm lý rất hay gặp đặc biệt là lo lắng mình bị khối u hoăc ung thư.

Vì sao lại dẫn đến hội chứng ruột kích thích?


Trên thế giới đây là một trong những bệnh tiêu hóa khá phổ biến, tại Mỹ có tới 25% dân số mắc bệnh này, tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 15-20%. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn 2-3 lần so với nam giới. Bệnh thường xuất hiện lần đầu tiên ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45.
Cho đến nay người ta cũng chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh, nhưng có nhiều yếu tố liên quan tới cơ chế sinh bệnh như:
Rối loạn vận động của ruột: Tăng nhu động biểu hiện bằng đại tiện lỏng, giảm nhu động biểu hiện bằng táo bón.
Rối loạn về cảm thụ của ống tiêu hóa: ống tiêu hóa dễ bị kích thích vì giảm ngưỡng cảm thụ nội tạng biểu hiện bằng đau bụng.
Các yếu tố thần kinh trung ương: stress, rối loạn về tinh thần, yếu tố tâm lý. Điều này lý giải cho xu hướng bệnh ngày càng nhiều khi điều kiện kinh tế và xã hội phát triển.
Ngoài ra còn có các yếu tố như: nhiễm khuẩn, do thức ăn, hóa chất...

Xác định bệnh như thế nào?


Do triệu chứng của người bệnh rất khác nhau, thậm chí diễn biến bệnh trên một người cũng không cố định mà thay đổi theo thời gian. Vì vậy việc chẩn đoán xác định dựa vào phương pháp loại trừ các bệnh có tổn thương thực sự.
Mặc dù người bệnh phàn nàn vì có nhiều triệu chứng gây khó chịu như trên, nhưng khi thăm khám thầy thuốc không phát hiện thấy gì đặc biệt, người bệnh không sút cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp Xquang đại tràng có thể có tăng hoặc giảm co bóp hoặc rối loạn co bóp, nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt.

Về điều trị


Mặc dù là bệnh lành tính, không gây tử vong nhưng hầu như không có khả năng điều trị khỏi hẳn. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Thầy thuốc cần phải giúp cho bệnh nhân hiểu được bệnh của họ và giải tỏa tâm lý lo ngại bị ung thư của người bệnh.

Có thể sử dụng các thuốc khi các triệu chứng nặng gây khó chịu nhiều. Thuốc chống tiêu chảy như: loperamid, smecta. Thuốc chống táo bón: forlax, igol, sorbitol, tegaserod. Thuốc chống co thắt gây đau: mebeverin, nospa, spasfon. Thuốc điều trị tác động trên thần kinh trung ương: amintryptinin.

Để phòng và duy trì sự ổn định của bệnh, nên có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, tránh sử dụng những thức ăn dễ kích thích như: bia rượu, cà phê, ăn nhiều gia vị cay chua, chất béo, thức ăn dễ tạo men. Làm việc điều độ, tăng hoạt động thể lực, cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ, không nên thức quá khuya, tránh tình trạng stress.

ThS.BS. Vũ Trường Khanh - Khoa tiêu hóa - BV Bạch Mai

Bị hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì


Từ khóa tìm kiếm bài viết: chữa hội chứng ruột kích thích bằng đông y, nguyên nhân hội chứng ruột kích thích, điều trị hội chứng ruột kích thích ibs, hoi chung ruot kich thich nen an gi, bài thuốc chữa hội chứng ruột kích thích, hoi chung ruot kich thich uong thuoc gi, hoi chung ruot kich thich co nguy hiem khong, hội chứng ruột kích thích ở trẻ em

No comments:

Post a Comment